Tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7: Doanh nghiệp điều chỉnh lương ra sao?

Chia sẻ :

Nhiều doanh nghiệp đã trả lương cơ bản cho công nhân cao hơn mức tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 tới sẽ chọn phương án điều chỉnh lương như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tân – Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Hosiden (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm 2022, công ty đã tăng lương cho công nhân (100.000 đồng/người/tháng). Hiện mức lương cơ bản thấp nhất công ty trả cho công nhân là 4,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ bản này đã cao hơn so với lương tối thiểu vùng đang cũng như sắp áp dụng từ 1.7 trên địa bàn huyện Việt Yên (3.430.000 đồng/tháng và  3.640.000 đồng/tháng).

Công nhân trong một doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian làm việc. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân

“Ngoài ra, những công nhân có thâm niên, có tay nghề được hưởng lương cơ bản cao hơn. Cùng với tiền lương, họ còn được nhận các khoản phụ cấp (khoảng 1 triệu đồng/tháng) và tiền tăng ca. Tổng thu nhập của công nhân từ 7-10 triệu đồng/tháng, tuỳ vào vị trí công việc, thời gian làm thêm” – ông Tân cho hay.  

Theo ông Tân, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, họ đều muốn được tăng lương. Tuy nhiên, công ty chưa có tiền lệ tăng lương cơ bản vào giữa năm. Hiện công ty Hosiden có 4.800 công nhân lao động.  

Còn tại Bắc Ninh, hiện lương tối thiểu đang áp dụng trên địa bàn các Khu công nghiệp tỉnh là vùng 2 (3.920.000 đồng/người/tháng). Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang trả cao hơn mức này (từ 4,5 triệu đồng/tháng đến hơn 5 triệu đồng/tháng). 

Theo ông Quyết, trước khi có Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022, tại các buổi tập huấn, Công đoàn các Khu công nghiệp đều trao đổi với các công đoàn cơ sở về vấn đề này; đề nghị các đơn vị phối hợp với người sử dụng lao động để tăng lương cho người lao động, đảm bảo mức tăng thấp nhất là bằng mức tăng Chính phủ quy định (6%) và nhân với hệ số lương của người lao động. 

Ông Quyết nói, có những đơn vị có mức lương 4,9-5 triệu đồng/tháng thì tăng lên khoảng hơn 200.000 đồng/tháng cho mỗi công nhân lao động. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở sẽ tổ chức thương lượng, đối thoại người sử dụng lao động để có thể tăng ở mức cao hơn. 

Bà Phùng Thị Hà – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc – thông tin, ngay từ đầu năm 2022, hầu hết doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng loạt tăng lương cho công nhân, từ mức 4.200.000 đồng/người/tháng lên mức 4.620.000 đồng/người/tháng.

Theo bà Hà, sắp tới, khi Nghị định 38 có hiệu lực, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sẽ không điều chỉnh lương cho công nhân bởi mức lương doanh nghiệp trả hiện tại đã cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022. 

“Khi điều chỉnh, các doanh nghiệp đã thương lượng với công nhân: Khi tới đây, Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, nếu thấp hơn mức lương doanh nghiệp đưa ra thì sẽ không điều chỉnh nữa; còn nếu mức lương tối thiểu được điều chỉnh cao hơn mức 4.620.000 đồng thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lương” – bà Hà cho biết. 

Bà Hà cho biết, thời điểm này, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang ít việc nên có những đơn vị phải nghỉ làm thứ 6, thứ 7 và trả lương tối thiểu vùng cho công nhân; nên lúc này việc công đoàn cơ sở thương lượng tăng lương cho công nhân lao động là không đúng thời điểm.

“Ở góc độ người lao động, qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng, họ đều rất muốn được tăng lương” – bà Hà nói.  

Được biết, hiện tại, trong các khu công nghiệp Vĩnh Phúc có hơn 300 doanh nghiệp với gần 200.000 công nhân lao động. Thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp tỉnh là 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Theo Lao động


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC