Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của giới trẻ với việc giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay

Chia sẻ :

                                                                                                 ThS. Nguyễn Thị Thuý

                                                                                          Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải

Mạng xã hội là một thế giới ảo nhưng ở nơi đó con người có thể giao lưu và tương tác với nhau trực tiếp, từ đó hình thành nhiều cách cư xử khác nhau... Chúng ta cần trở thành người dùng thông minh để tránh rơi vào những tình huống không mong muốn.

Mạng xã hội là một cộng đồng thu nhỏ, nơi mọi người giao tiếp và chia sẻ. Mạng xã hội ngày càng phát triển và có nhiều cách sử dụng và ứng xử khác nhau, tạo thành văn hóa mạng. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đại diện cho nhận thức của mỗi người về việc sử dụng mạng xã hội và thể hiện thái độ, hành động của chúng ta đối với các sự việc và câu chuyện trên mạng xã hội. Do đó, cách chúng ta ứng xử trên mạng xã hội cũng là một tiêu chí để đánh giá con người, nhất là với thế hệ trẻ tương lai, vận mệnh của đất nước.

Ngày nay, mạng xã hội đã trở nên rất phổ biến, mọi người đều sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam, có rất nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram,...Theo Data Report, thống kê dữ liệu social media hàng đầu cho biết đầu năm 2024 có 72,55 triệu người dùng mạng xã hội từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam, chiếm 99,2% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, hàng loạt các “nghề” hot được ra đời trên nền tảng số, mạng xã hội như KOL, gamer, streamer (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến)… Mạng xã hội là một thế giới ảo nhưng ở nơi đó con người có thể giao lưu và tương tác với nhau trực tiếp, từ đó hình thành nhiều cách cư xử khác nhau, từ trang nhã và lịch sự đến thô lỗ. Chúng ta cần trở thành người dùng thông minh để tránh rơi vào những tình huống không mong muốn.

Thói quen và những lợi ích của mạng xã hội 

Từ khi xuất hiện, mạng xã hội đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc tác động không nhỏ đến cuộc sống thực của đại đa số giới trẻ hiện nay.

Trước tiên không thể phủ nhận rằng, một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của đất nước. Khi chúng ta tham gia mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bình luận, những dòng trạng thái về một sự việc của đời sống chính trị, xã hội, hay các sự kiện lớn của đất nước mà giới trẻ đăng trên mạng xã hội để bày tỏ thái đó về vấn đề đó, những bình luận như: “…trước kia cô lịch sử dạy hay và ngắn gọn như clip...” có thể nói rằng giới trẻ đã hiểu hơn và nắm được nhiều thông tin và kiến thức về chính trị, xã hội thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội, từ đó cũng hình thành nhận thức, tư tưởng cho thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống văn hoá và tinh thần yêu nước của con người Việt Nam.

Mạng xã hội còn cho thấy sự “chuyển động” rất khác của giới trẻ Việt trong thời đại số hóa. Giới trẻ có ý thức rất lớn về “tiếng nói” của mình. Bằng chứng là giới trẻ có riêng một kênh “Đài Tiếng nói GenZ” trên mạng xã hội Facebook và Tiktok để thể hiện quan điểm của mình. Trên nền tảng mạng xã hội giới trẻ có thể chia sẻ, cập nhật tin tức, trao đổi thông tin, tìm kiếm việc làm, giao lưu, kết nối bạn bè, cộng đồng, mở rộng quan hệ, bán hàng livestream....đặc biệt hiện nay, hình thức kiếm tiền ứng dụng công nghệ “ bán hàng livestrem” đã trở thành một kênh bán hàng phổ biến và giúp giới trẻ kiếm tiền một cách dễ dàng, hình thức này không phân biệt học vấn, vùng miền mà chỉ cần xây kênh có một lượng người theo dõi tương đối là chủ kênh đã thu được một khoản tiền mỗi tháng, giúp giới trẻ năng động, linh hoạt và tiếp cận với công nghệ hiện đại hơn.

Có thể nói, với nhiều ứng dụng tiện ích khác nhau, các trang mạng xã hội đã đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của thanh, thiếu niên – bộ phận được xem là năng động nhất trong xã hội.

Mặt trái của mạng xã hội - nguy hiểm trên môi trường ảo vẫn luôn "rình rập" giới trẻ

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng, nó sẽ “cắt tay” mình lúc nào không hay. Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho thanh, thiếu niên sao nhãng việc học hành, tinh thần uể oải, sa sút… Và từ chỗ bị lôi cuốn, thu hút sẽ dẫn đến lệ thuộc, rồi nghiện, trong khi giới trẻ thì lại có quá ít các kỹ năng, kinh nghiệm để ứng phó với mạng xã hội.

Nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo…vv. Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho giới trẻ bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn, lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Thông tin trên mạng xã hội  bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng, tư tưởng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm duyệt. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là của thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng xã hội đã làm cho một bộ phận giới trẻ hiện nay bị ảo tưởng sức mạnh “ ngáo quyền lực” trên mạng xã hội. Một số Thanh, thiếu niên hiện nay trở thành các "anh hùng bàn phím" sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục. Một số Titokker, hot bloger, youtuber tự cho mình là người của công chúng, có sự ảnh hưởng sâu rộng với đông đảo mọi người nên tự cho mình có quyền chê bai, đả kích một sự việc hay một cá nhân, tổ chức nào đó. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ tạo nên nhận thức và biến thành một “hệ tư tưởng” cả một thế hệ, thể hiện sự tự cao, tự đại, ích kỷ, sống không có lòng bao dung và không biết chia sẻ, cảm thông với mọi người. Theo kết quả khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân, hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Rõ ràng, những mặt trái của mạng xã hội không còn là nguy cơ, mà đã hiện diện rất rõ trong đời sống hàng ngày.

Hãy sử dụng mạng xã hội thông minh

Cùng với sự tiến bộ của xã hội, Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu khách quan. vì vậy chúng ta nên thay đổi góc nhìn và xem xét lại cách chúng ta ứng xử văn hoá trên mạng xã hội từ bây giờ.

Bản thân các bạn trẻ hãy lựa chọn thông tin và suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bình luận hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Hãy sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và hiệu quả, tránh rơi vào tình trạng "nghiện mạng xã hội". Hãy tránh chia sẻ thông tin sai lệch, thông tin chưa được kiểm chứng và không tuyên truyền những thông tin tiêu cực. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta có thể mang lại kết quả lớn, vì vậy hãy sử dụng và ứng xử trên mạng xã hội một cách văn minh ngay từ hôm nay. Trang bị kiến thức, kĩ năng phân biệt các thông tin tốt, xấu, các nguồn thông tin chính thống và không chính thống chính là cách để các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Đồng thời, giới trẻ cũng cần phải ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng người khác khi tham gia hoạt động trên mạng xã hội, cân đối thời gian, dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, phát triển bản thân.

Với gia đình, nhà trường và xã hội. Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp của thế hệ trẻ hiện nay, mỗi gia đình, nhà trường, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. Bên cạnh việc giáo dục cho thanh niên nâng cao hiểu biết về các trang mạng xã hội, thì phải hướng dẫn, tư vấn cho họ những kiến thức, kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội. Điều hết sức quan trọng là phải chỉ cho họ thấy được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ dẫn cho họ biết cách ứng xử và khả năng miễn dịch khi tiếp xúc với những thông tin xấu độc, mời gọi, khiêu khích, lôi kéo,… đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội cho thanh niên, làm cho họ biết làm chủ và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Các thông tin tung lên mạng phải đúng với quy định của pháp luật, của đơn vị, địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội; phải hết sức thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân và các hoạt động của đơn vị, nhất là đơn vị quân đội, công an lên các trang mạng xã hội. 

Bên cạnh đó phát huy tốt vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng… thông qua đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó giáo dục, định hướng chính trị, tạo niềm tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chống lại các loại sản phẩm văn hóa xấu độc, âm mưu “xâm lăng văn hóa”, tư tưởng “áp đặt lối sống, văn hóa phương Tây”, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tình cảm tốt đẹp, tâm hồn trong sáng vốn có của giới trẻ hiện nay. Tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật. 

Chúng ta là thế hệ trẻ, là tương lai và vận mệnh của đất nước. Chúng ta cần từng bước nâng cao nhận thức đúng đắn về cách ứng xử và hành động trong giao tiếp đặc biệt trên không gian mạng. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Mỗi cá nhân thế hệ trẻ có ý thức ứng xử văn hóa trên mạng xã hội sẽ tạo ra được cả một thế hệ có văn hoá khi dùng mạng xã hội ở tương lai.

 

 


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC