Quốc hội nhất trí đầu tư 3 dự án đường cao tốc phía Nam

Chia sẻ :

Ngày 16/6, cùng với việc thông qua chủ trương đầu dự dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc phía Nam, với nhiều cơ chế, chính sách cụ thể.

Cụ thể gồm 3 dự án: Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Trong đó, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn một dài 117 km, sử dụng hơn 930 ha đất; tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng từ ngân sách. Một số đoạn có lưu lượng lớn sẽ hoàn thành năm 2025; hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào sử dụng 2027.

Ảnh: internet

Tuyến cao tốc này nhằm hình thành trục ngang kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ; kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Dự án xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vùng Tàu giai đoạn một dài gần 54 km, sử dụng khoảng 519 ha đất; tổng vốn 17.800 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công. Tuyến đường được kỳ vọng khi hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với cao tốc Bắc Nam phía Đông, sân bay Long Thành.

Tuyến đường sẽ phát huy tối đa tiềm năng cảng biển Cái Mép - Thị Vải; tạo động lực và không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ. Dự án hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026, thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn một dài 188 km; sử dụng 1.200 ha đất; tổng vốn 44.600 tỷ đồng, từ ngân sách. Mục tiêu của tuyến đường nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Dự án hoàn thành một số đoạn năm 2025; hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào sử dụng một năm sau đó. Tuyến đường được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo động lực phát triển đồng bằng sông Cửu Long...

Các Nghị quyết cũng quy định, các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án...

Theo drvn.gov.vn


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC