Nới điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần từ 15/2/2023

Chia sẻ :

(Dân trí) - Sửa đổi các trường hợp được hưởng BHXH một lần, tăng số ngày nghỉ việc hưởng BHXH mỗi lần khám... là một trong những nội dung mới được quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BYT.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi Thông tư 56/2017/TT-BYT với nhiều nội dung hướng dẫn mới về hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động, chuẩn bị được đưa vào áp dụng kể từ ngày 15/2/2023.

Trường hợp được hưởng BHXH một lần

Theo quy định hiện tại, người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng… phải kèm điều kiện không thể tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được giải quyết hưởng BHXH một lần.

Tuy nhiên, từ 15/2/2023, ngoài trường hợp nêu trên thì người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cũng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Được chủ động đi giám định sau tai nạn để hưởng chế độ

Hiện nay, các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải chờ ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng), trừ trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ Y tế thì người lao động được làm giám định trước hoặc ngay trong quá trình điều trị.

Với Thông tư 18, người lao động có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ mà không cần chờ đến 2 năm như quy định cũ.

Đồng thời, người lao động không mất phí khám giám định nếu kết quả giám định lại đủ điều kiện được điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tăng hạn mức ngày nghỉ việc mỗi lần khám bệnh

Theo Thông tư 18, với mỗi lần khám, người lao động sẽ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Thông thường, giấy này chỉ được nghỉ tối đa 30 ngày.

Trường hợp cần nghỉ dài hơn 30 ngày, thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ người bệnh phải tiến hành tái khám. So với quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT, Thông tư 18 đã bổ sung số ngày nghỉ.

Trong trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì số ngày nghỉ sẽ được thực hiện theo luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp.

Như vậy, từ 15/2/2023, số ngày nghỉ ghi trên giấy nghỉ việc hưởng BHXH có thể lên đến 50 ngày thay vì chỉ 30 ngày như quy định trước đó.

Điều chỉnh hồ sơ giám định sức khỏe để nghỉ hưu, rút bảo hiểm

Như quy định hiện nay, người lao động khi gặp vấn đề về sức khỏe, cần được giám định để làm thủ tục hưởng các chế độ BHXH thì sử dụng các loại giấy tờ như bản chính hoặc bản sao hợp lệ của hồ sơ bệnh án (như bệnh án sản khoa hoặc bệnh khác); giấy xác nhận khuyết tật; giấy ra viện; sổ khám bệnh; bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp; biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Với quy định mới tại Thông tư 18, từ ngày 15/2/2023, ngoài các giấy tờ kể trên, người lao động còn có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao hợp lệ của phiếu khám bệnh; phiếu kết quả cận lâm sàng hoặc đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Được yêu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH

Đây là một trong những hướng dẫn mới trong Thông tư 18.

Theo đó, trường hợp người lao động đã khám, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì có thể làm văn bản đề nghị cơ sở khám chữa, bệnh đã khám và điều trị cấp mới các loại giấy tờ này.

Thông tư 18 cũng hướng dẫn, phần ngày, tháng, năm phải ghi theo đúng ngày cấp trên phần chữ ký của người hành nghề.

Hướng dẫn cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho người mắc Covid-19

Theo đó, người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH sau khi kết thúc điều trị.

Trường hợp người bệnh đã điều trị Covid-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì có thể đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh đã điều trị cấp.

Trường hợp sau khi ra viện mà trong giấy ra viện có ghi thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian đó được tính nghỉ việc hưởng BHXH.

Nếu sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly.

Trong trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đã giải thể, các cơ sở khám, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý phải cấp, cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động.

                                                                                                                                             Theo Dân trí


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC