Những cuộc ngã giá hàng nghìn USD khi duyệt 'chuyến bay giải cứu'

Chia sẻ :

HÀ NỘIVũ Anh Tuấn khi làm Phó Phòng Tham mưu, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an bị cáo buộc đã trực tiếp liên lạc với doanh nghiệp, ra giá chung chi 50-230 triệu đồng cho mỗi chuyến bay giải cứu.

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong Covid-19, tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương. Chuyến bay giải cứu nghĩa là người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly.

Nhưng cơ sở cách ly ngày càng quá tải nên Chính phủ cho phép thực hiện cùng lúc chuyến bay giải cứu và chuyến bay combo - người dân phải tự nguyện trả phí toàn bộ gồm vé máy bay, tiền cách ly...

Nhiệm vụ này được giao cho tổ công tác 5 Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng. Trong đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ phê duyệt hoặc từ chối kế hoạch tổ chức chuyến bay (số lượng, tần suất chuyến bay, doanh nghiệp thực hiện, nơi cách ly, người dự kiến về...) trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Cục phó Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo. Hai người giúp việc cho ông Dự trong việc này là Vũ Anh Tuấn (Phó Phòng Tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng Tham mưu).

Cơ quan điều tra phát hiện ba người đã tạo thành "một nhóm lợi ích", trong đó ông Tuấn được giao liên hệ với doanh nghiệp, yêu cầu chi 50-200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000-1.500.000 đồng một hành khách, tùy thời điểm.

Doanh nghiệp nào không chấp nhận "chung chi", ông Tuấn sẽ gây khó dễ bằng cách không cho tổ chức chuyến bay hoặc trả lời vào sát ngày, cơ quan điều tra chỉ ra và cho rằng đây là hành vi nhũng nhiễu, ép doanh nghiệp chi tiền hối lộ.

Ông Tuấn còn phối hợp với ông Phạm Trung Kiên (thư ký của một thứ trưởng Bộ Y tế) để gợi ý doanh nghiệp chi tiền nếu muốn được Bộ Y tế trả lời nhanh và ngược lại. Nhiều lần, ông Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ hoặc chỉ đạo ông Cường nhận tiền thay mà không báo cáo ông Dự.

Cuối tháng 6/2021, khi bà Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife, nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay combo, ông Tuấn đề xuất ông Dự ký văn bản "chưa cho cấp phép". Khi bà Xa đặt vấn đề thông qua Cường, ông Tuấn đưa ra giá một triệu đồng một hành khách, tương đương 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) một chuyến bay.

Bị can Xa sau đó phải chi 20.000 USD (khoảng 463 triệu đồng). Số tiền này, ông Tuấn giữ lại 9.000 USD và chia cho Cường 11.000 USD. Sau lần trót lọt này, ông Tuấn gọi trực tiếp bà Xa yêu cầu những lần xin cấp phép sau phải làm việc trực tiếp với mình, ra giá 200 triệu đồng một chuyến bay.

Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ Châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Một "chuyến bay giải cứu" đưa công dân từ Châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ngã giá xong, ông Tuấn và Cường đã tham mưu cho ông Dự duyệt, ký 8 văn bản gửi Bộ Ngoại giao chấp nhận cho doanh nghiệp được tham gia tổ chức chuyến bay.

Quá trình điều tra xác định, thông thường, ba bị can Dự, Tuấn, Cường sẽ cùng bàn bạc, tổng hợp tiền để chia. Tuy nhiên có những lúc ba người tự nhận tiền riêng rẽ của doanh nghiệp mà không thông báo cho nhau biết.

Theo kết luận, ông Tuấn nhận tiền của doanh nghiệp nhiều nhất, 46 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Ông Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, Cường 9,3 tỷ.

Trước những sai phạm này, ông Dự cùng Tuấn và Cường bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ, ngày 3/4.

Cựu thư ký Thứ trưởng Y tế 251 lần nhận hối lộ

Bộ Y tế là một trong 5 bộ trong tổ công tác thực hiện đưa công dân về nước theo quyết định của Chính phủ. Tại đây, Cục Y tế dự phòng được giao nhiệm vụ phê duyệt hoặc từ chối đề xuất của Bộ Ngoại giao về tần suất, số lượng chuyến bay, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Quy trình được thực hiện như sau, thứ trưởng khi nhận được đề xuất tổ chức chuyến bay giải cứu, combo hoặc khách lẻ xin về nước sẽ chuyển cho Cục Y tế dự phòng tham mưu. Mọi trao đổi giữa cục và thứ trưởng đều thông qua Phạm Trung Kiên (thư ký của thứ trưởng).

Khi thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi 50-200 triệu đồng một chuyến bay combo hoặc 500.000 đến 2 triệu đồng một hành khách. Với khách lẻ xin về nước, thư ký Kiên ra giá 7-15 triệu đồng một người, tùy từng thời điểm.

Theo cáo buộc, ông Kiên còn móc nối với công an Tuấn để gợi ý, chỉ dẫn doanh nghiệp chi tiền. Đơn vị nào đưa hối lộ, ông Kiên sẽ đề xuất để Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, kịp thời trả lời bằng văn bản.

Theo cáo buộc của Cơ quan An ninh điều tra, ông Kiên đã 251 lần nhận tiền của 19 cá nhân, doanh nghiệp, tổng cộng 42,6 tỷ đồng. Trong đó, từ tháng 9/2020 đến 5/2021, ông 114 lần nhận 7,4 tỷ đồng của bị can Vũ Hồng Quang, cựu cán bộ Cục hàng không Việt Nam, để đưa khách lẻ về nước.

Bị can Nguyễn Trung Kiên. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Phạm Trung Kiên. Ảnh: Bộ Công an

Là một trong hai cán bộ tại Bộ Y tế bị đề nghị truy tố, ông Bùi Huy Hoàng bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi đã làm trung gian môi giới hối lộ 3,3 tỷ đồng và được hưởng lợi 670 triệu đồng.

Trước sai phạm trên, ông Kiên bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ, ông Hoàng về tội Môi giới hối lộ.

Sau hơn một năm điều tra vụ án, ngày 3/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố tổng cộng 54 người về 5 tội: Đưa hối lộMôi giới hối lộNhận hối lộLừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Từ tháng 4/2020 đến 1/2022, 772 chuyến bay đưa công dân về nước đã được tổ chức, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Bộ Công an cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. 54 bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân.

Theo vnexpress.net


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC