Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12 năm 2022

Chia sẻ :

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với một số viên chức; dùng văn bằng của người khác bị phạt 10-20 triệu đồng là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 12.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Ba Thông tư 12/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 07/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch; 14/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực trong tháng 12, bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với một số vị trí viên chức.

Trong ngành tài nguyên và môi trường, các vị trí được bỏ chứng chỉ gồm địa chính viên, điều tra viên tài nguyên môi trường, dự báo viên khí tượng thủy văn, kiểm soát viên khí tượng thủy văn, quan trắc viên tài nguyên môi trường và đo đạc bản đồ viên. Ngành thể dục thể thao gồm huấn luyện viên và hướng dẫn viên. Ngành khoa học và công nghệ là nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu, kỹ sư và kỹ thuật viên.

Trước đó, viên chức tại những lĩnh vực này được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giữa năm 2021, từ đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã đồng ý bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức do "không còn phù hợp" và các cơ sở đào tạo đã có quy định về chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học.

Mẫu chứng chỉ tin học theo quy định Bộ Giáo dục Đào tạo. Ảnh: Xuân Hoa

Mẫu chứng chỉ tin học theo quy định Bộ Giáo dục Đào tạo. Ảnh: Xuân Hoa

Dùng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt 10-20 triệu đồng

Nghị định 88/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 12/12. Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng của mình bị phạt 10-20 triệu đồng (mức cũ 3-5 triệu); sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung bị phạt 10-20 triệu đồng.

Nghị định 88 bổ sung một số hành vi phải xử phạt hành chính. Trong đó, gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt 30-40 triệu đồng.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt 5-10 triệu đồng.

Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị phạt 5-10 triệu đồng.

Ưu đãi cho cơ quan ngoại giao thuê nhà, đất

Nghị định 90/2022 về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao phụ trách, phục vụ hoạt động đối ngoại có hiệu lực từ ngày 15/12.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên tắc "có đi có lại". Giá cho thuê nhà, đất đảm bảo theo giá thị trường, bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định.

Chuẩn bị "khai tử" sổ hộ khẩu giấy

Luật Cư trú năm 2020 quy định, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Như vậy, hai loại sổ này còn giá trị trong một tháng, trước khi bị "khai tử".

Sau đó, để chứng minh thông tin cá nhân nơi cư trú, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú, hoặc dùng số định danh cá nhân, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại TP Thủ Đức tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại TP Thủ Đức tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Muốn có giấy xác nhận thông tin về cư trú, người dân có thể ra công an địa phương yêu cầu cấp hoặc đề nghị cấp bản điện tử thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Giấy xác nhận có giá trị 30 ngày và giá trị 6 tháng với trường hợp xác nhận về khai báo cư trú.

Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đảm bảo điều kiện về an ninh, an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay cho việc yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu.

                                                                                                                   Theo Sơn Hà - Vnexpress.net


Thêm bình luận mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi. Vui lòng thử lại
ĐĂNG KÝ HỌC