Bồi dưỡng văn hóa công vụ và lễ tân công sở
Văn hoá công vụ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nói chung và Bộ Giao thông vận tải nói riêng, giúp cho hoạt động quản lý của cơ quan được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại. Chính vì vậy, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng văn hoá công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là rất cần thiết.
1. Quan điểm, mục tiêu xây dựng văn hoá công vụ
Văn hóa công vụ (VHCV) có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Xây dựng VHCV góp phần giúp CBCCVC nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình đối với xã hội, đối với Nhân dân; hình thành thái độ, lòng yêu nghề, niềm tự hào về nghề nghiệp, từ đó có ý thức làm việc tốt, tận tụy với công việc, có hành vi ứng xử, giao tiếp đúng mực với Nhân dân, với đồng nghiệp. VHCV cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQHCNN, giúp cho hoạt động quản lý của cơ quan được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại. Xây dựng và phát triển VHCV, văn hóa lãnh đạo, quản lý được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhất quán quan điểm, mục tiêu chung xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đồng thời bước đầu đã đề cập, định hướng đến vấn đề xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong các cơ quan nhà nước: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”1.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội của Đảng đã có định hướng cụ thể về “Xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng đạo đức công vụ, xây dựng môi trường văn hoá công vụ trong sạch, dân chủ, đoàn kết, nhân văn”.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định nhằm xây dựng văn hóa trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong hoạt động thực thi công vụ của CBCCVC. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định tại Điều 16 về Văn hóa giao tiếp nơi công sở và Điều 17 Văn hóa giao tiếp với Nhân dân. Ngày 02/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ -TTg về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các CQHCNN.
Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án VHCV với các nội dung trọng tâm của VHCV gồm: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống và trang phục của CBCCVC. Đồng thời, Đề án đã đưa ra các giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ để triển khai thực hiện VHCV. Một trong những giải pháp mới cần quan tâm và khẩn trương thực hiện – đó là biên soạn tài liệu bồi dưỡng về VHCV và tổ chức bồi dưỡng về VHCV cho đội ngũ CBCCVC.
2. Về chương trình, tài liệu bồi dưỡng văn hoá công vụ
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Nội vụ giao, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức nghiên cứu xây dựng và đã ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng VHCV. Mục tiêu chung của chương trình là trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức về VHCV, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và xã hội.
Chương trình có thời lượng 3 ngày gồm 5 chuyên đề:
Chuyên đề 1: Những vấn đề chung về VHCV.
Chuyên đề 2: Đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng.
Chuyên đề 3: Trách nhiệm công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chuyên đề 4: Giao tiếp công vụ.
Chuyên đề 5: Lễ tân công vụ.
Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có nhu cầu mở lớp bồi dưỡng vui lòng liên hệ Phòng Đào tạo và Quản lý khoa học, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Hotline, Zalo, Viber: 0969.458.793
Facebook: www.facebook,com/TruongCBQLGTVT
Thêm bình luận mới